Y ĐỨC NHÂN THUẬT QUA 8 CHỮ
18-09-2022
Y ĐỨC NHÂN THUẬT QUA 8 CHỮ "XÂY" & "8 TỘI" CỦA DANH Y LÊ HỮU TRÁC
- ‘Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn tính mạng người ta, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người, làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công’ - quan điểm về y đức người thầy thuốc của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sinh ngày 12/11 năm Canh Tý (tức ngày 11/12/1720), qua đời Rằm tháng Giêng năm Canh Hợi (1791) thọ 71 tuổi. Nguyên quán ở thôn Văn Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là Liêu Xá, Mỹ Văn, Hải Hưng). Ông là nhà Y học lớn, nhà Văn hoá lớn của nước ta, là tác giả của pho sách trứ danh Lãn Ông Tâm Lĩnh hay Hải Thượng y tông Tâm Lĩnh. Sự nghiệp Y học của Hải Thượng Lãn Ông đã góp phần to lớn xây dựng nền Y học dân tộc nước nhà, nên được suy tôn là đại y tôn Việt Nam.
Lãn Ông nhiều lần nhấn mạnh “Nghề thuốc là một nghề thanh cao, là một nghề có lòng nhân…” Từ đó mà các mặt đạo đức, trách nhiệm, động cơ, thái độ, tác phong, nghiệp vụ… của ông đều đạt tới một tầm cao đặc biệt.
Trong bài “Y huấn cách ngôn” của bộ sách “Y tông tâm lĩnh” ở phần đầu, đủ hiểu ông chú trọng y đức đến mức rất cao. Trong quyển “Y âm án” ông nhấn mạnh nhiều lần “Nghề y là một nhân thuật”. Theo ông, “Nhân” là một đức tính cơ bản của người làm nghề y. Đức tính cơ bản ấy nên là điều kiện tiên quyết để vào nghề y: Nếu không có lòng nhân, không biết quan tâm đến người khác thì nên đi kiếm sống bằng nghề khác ít đòi hỏi nhân đạo hơn.
Ông nói: “Tôi thường thấm thía rằng: thầy thuốc có nhiệm vụ bảo vệ mạng sống người ta; sự sống chết, điều họa phúc đều ở tay mình xoay chuyển, lẽ nào người có trí tuệ không đầy đủ, hành động không chu đáo, tâm hồn không khoáng đạt, trí quả cảm không thận trọng mà dám theo đòi bắt chước nghề y”.
Với ông, người thầy thuốc chân chính cần có tám chữ: Nhân, minh, đức, trí, lượng, thành, khiêm, cần (biết quan tâm đến người khác, sáng suốt, đức độ, thông minh, rộng lượng, thành thật, khiêm tốn, chăm chỉ, chịu khó).
Đồng thời cũng cần tránh mắc tám tội: “Lười, keo, tham, dốt, ác, hẹp hòi, thất đức”:
- Lười: Lẽ ra phải thăm khám cẩn thận rồi mới bốc thuốc, lại ngại đêm hôm, mưa gió, vất vả không chịu tự mình đến thăm, cứ cho thuốc qua loa, đó là tội Lười biếng.
- Keo: Thấy bệnh cần dùng thứ thuốc nào đó mới cứu chữa được, song thầy lo người bệnh không đủ sức trang trải mà cho vị rẻ tiền hơn (ảnh hưởng đến hiệu quả chữa bệnh). Đó là tội Keo kiệt.
- Tham: thấy bệnh đã có cơ nguy, nhưng thầy không bảo ngay cho gia đình biết sự thật, cứ ỡm ờ đến mãi để làm tiền. Đó là tội tham lam.
- Dối: Thấy chứng dễ lại nói dối là khó, nhăn mày, thè lưỡi, dọa người ta sợ khiếp để lấy được nhiều tiền. Đó là tội lừa dối.
- Dốt: nhận chứng thì lờ mờ, sức học thì nông cạn, thiên lệch, bốc thuốc thì công bổ lộn xộn. Đó là tội dốt nát.
- Ác: Đã thấy đó là chứng khó, lẽ ra phải nói thật cho người nhà biết rồi ra sức mà chữa, lại sợ mang tiếng là người không biết chữa, vừa ngại không thành công, không lấy được nhiều tiền, nên không chịu nhận chữa cứ để mặc người ta bó tay chịu chết. đó là tội bất nhận.
- Hẹp hòi: Có người thường ngày bất bình với mình, khi có bệnh phải nhờ cậy đến thì mình nẩy ý nghĩ trả thù, không chịu hết lòng ra sức trong lúc chữa bệnh. Đó là tội hẹp hòi.
- Thất đức: Thấy người mồ côi, góa bụa, gia đình hiền, hiếu nhưng mắc cảnh nghèo túng, thấy ngại uổng công [không được bao nhiêu tiền] mà không dốc sức giúp đỡ. Đó là tội thất đức.
Ông khẳng định nghề y liên quan chặt chẽ với đức độ của bản thân và của con cháu lâu dài. Ông nói: “Đạo làm thuốc là một học thuật cao quý để giữ gìn mạng sống, cũng là đầu mối lớn lao về đạo đức chân chính”. Qua nghề y, người ta có thể bồi đắp chữ “đức” được cao đầy, nếu người đó thực sự giúp ích nhiều cho người bệnh.
Nhưng nếu người đó lợi dụng nghề y để hữu ý hoặc vô ý làm những điều có hại cho người khác thì cũng dễ mắc những điểm “thất đức” không nhỏ. Ông phàn nàn: “Than ôi đem nhân thuật làm chước dối lừa, đem lòng nhân đổi ra lòng buôn bán. Như thế thì người sống trách móc, người chết oán hờn, không thể tha thứ được”.
Ông thường răn dạy học trò: “Làm thầy thuốc mà không có lòng thương chung (từ) giúp đỡ người khác (tế) làm hằng tâm, không nghiền ngẫm sâu sắc tìm cách cứu sống người mà chỉ chăm chăm kể lợi tính công, lấy của hại người thì còn khác gì bọn giặc cướp”.
Tóm lại, theo ông sau khi xác nhận nghề y là một nghề “Nhân đức”, người thầy thuốc luôn luôn phải suy nghĩ về bốn chữ “Từ, Tế, Hoạt, Nhân” hằng ngày bồi đắp “Tám chữ xây” và chống lại “Tám tội”. Được như vậy mới khỏi thẹn với hai chữ “Nhân thuật”.
Hoa Lê (Tổng hợp)
Các bài viết khác
- NHỮNG CHỨNG MẤT NGỦ (12.12.2024)
- NHỮNG CHỨNG ĐAU MẮT (p2) (10.12.2024)
- NHỮNG CHỨNG ĐAU MẮT (09.12.2024)
- NHỮNG CHỨNG CHÓNG MẶT HOA MẮT (p2) (07.12.2024)
- NHỮNG CHỨNG CHÓNG MẶT HOA MẮT (06.12.2024)
- NHỮNG CHỨNG NHỨC ĐẦU (phần cuối) (05.12.2024)
- NHỮNG CHỨNG NHỨC ĐẦU (p3) (03.12.2024)
- NHỮNG CHỨNG NHỨC ĐẦU (p2) (02.12.2024)
- NHỮNG CHỨNG NHỨC ĐẦU (30.11.2024)
- THỌ BỆNH và SINH BỆNH (p4) (25.11.2024)